Không đạt tiêu chuẩn “xanh”, doanh nghiệp có thể sẽ không xuất khẩu được hàng

(HQ Online) – Nhấn mạnh sự thay đổi nhanh chóng của thị trường đối với các tiêu chí “xanh” của sản phẩm, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương dự báo nếu không có các chứng nhận mà các thị trường có tiêu chuẩn xanh hay khách hàng có tiêu chuẩn xanh yêu cầu, 5 năm nữa Việt Nam nói chung và nhiều DN nói riêng có thể sẽ không xuất khẩu được hàng hoá.
“Xanh hóa” doanh nghiệp để rộng đường xuất khẩu
Xanh hóa chuỗi cung ứng hàng xuất khẩu nông sản
Không đạt tiêu chuẩn “xanh”, doanh nghiệp có thể sẽ không xuất khẩu được hàng
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương.

Ngày càng có nhiều nước quan tâm tới việc phát triển kinh tế xanh, bền vững, điều này tác động như thế nào tới xu hướng tiêu dùng tại các nước này, thưa ông?

Trên toàn cầu nói chung và nhất là ở châu Âu nói riêng, xu hướng tiêu dùng xanh, sạch đã trở thành xu hướng chính thức chứ không còn là một thị trường ngách như trước đây. Nếu như trước đây các tiêu chuẩn xanh, bền vững chỉ được nhìn thấy ở các phân khúc cao cấp thì hiện nay đã trở thành các yêu cầu phổ biến trên mọi phân khúc, mọi thị trường.

Có thể nhìn rõ từ các đạo luật của EU cấm tất cả hàng hóa nhập khẩu có liên quan đến nạn phá rừng, các quy định về đánh bắt hợp pháp trong thuỷ sản, khuyến khích xúc tiến các mặt hàng xanh, giảm phát thải và gần đây nhất là các quy định báo cáo bền vững cho các DN châu Âu mới được ban hành ngày 10/11/2022 để đảm bảo minh bạch, xác định rõ trách nhiệm cho các bên liên quan trên toàn chuỗi cung ứng vào thị trường châu Âu. Có thể thấy tần suất ban hành các quy định pháp lý nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh ngày càng dày đặc, đúng tinh thần của Thoả thuận xanh.

Như vậy tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu và được thực hành quyết liệt ở các nền kinh tế phát triển nhất trên thế giới như thị trường châu Âu. Bởi điều này đã được khẳng định chính là một giải pháp nhằm giảm phát thải nhà kính, hướng tới nền kinh tế trung hòa car bon trong dài hạn.

Xu hướng mới này đặt ra những thách thức gì cho các DN Việt Nam?

Đối với các mặt hàng của các ngành hàng hiện có, một nguy cơ hiện hữu chính là không thể xuất khẩu được cho các thị trường đang nâng cao tiêu chuẩn xanh nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn. Thị trường sản phẩm có chứng nhận đã tăng vọt trong 15 năm trở lại đây và nếu các nhà xuất khẩu Việt Nam không có các chứng nhận mà các thị trường có tiêu chuẩn xanh hay khách hàng có tiêu chuẩn xanh yêu cầu, e rằng 5 năm nữa Việt Nam nói chung và nhiều DN nói riêng không thể xuất khẩu được hàng. Do đó, cần nhanh chóng đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh này để có được lợi thế cạnh tranh, trước khi các quốc gia xuất khẩu khác vượt lên trước.

Trong bối cảnh như vậy, làm thế nào để có thể nhanh chóng đáp ứng các tiêu chuẩn xanh để có được lợi thế cạnh tranh trước khi các quốc gia xuất khẩu khác vượt lên, thưa ông?

Cần khẳng định rằng tăng trưởng xanh chính là chiến lược phòng ngừa rủi ro của cả khu vực công và tư nhân. Bởi tăng trưởng xanh phản ánh cách thức phản ứng của các nền kinh tế trước diễn biến phức tạp của tình hình biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên; phản ánh các xu hướng tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới với mũi nhọn là ngành công nghiệp xanh, tạo động lực tăng trưởng mới và mang tính cạnh tranh cao.

Tôi cho rằng từ góc độ là các đơn vị có cơ hội tiếp cận gần nhất và sớm nhất tới các nhãn hàng, người mua hàng, các cơ quan xúc tiến thương mại sẽ có nhiều thông tin sát thực nhất để cùng phối hợp, chuyển các tín hiệu, yêu cầu này tới các đơn vị quản lý và DN trong nước. Từ đó có thể cùng xây dựng bộ tiêu chuẩn xanh giúp định hướng cho xuất khẩu Việt Nam đáp ứng kịp thời với các yêu cầu mới của thị trường. Hệ thống xúc tiến thương mại phải hỗ trợ để các ngành hàng và cả Việt Nam nói chung chủ động hơn, ở vị thế làm chủ cuộc chơi, tự phát triển những bộ tiêu chuẩn xanh được thị trường và khách hàng thế giới công nhận.

Tuy nhiên cần nhìn nhận lại mạng lưới xúc tiến thương mại trong nước đang có một số hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được sứ mệnh cung cấp một dịch vụ “đặc biệt” bởi nhiều khó khăn, thách thức cả bên trong và bên ngoài. Đa số khách hàng DN đều là DN nhỏ, chỉ một số ít DN thực sự thuộc quy mô vừa, đặc biệt trong khu vực nông, lâm, thủy sản. DN hầu như chưa thể tự đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu thị trường, marketing cho bản thân mình. Nhưng sâu xa cũng cần phải nhìn nhận vẫn còn rất nhiều tâm lý ỷ lại, tâm lý chờ được trợ giúp từ tư duy bao cấp nên việc chi trả dịch vụ vẫn còn rất hạn chế.

Trong khi đó, theo chức năng dịch vụ công với hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, do việc nhìn nhận dịch vụ chức năng xúc tiến thương mại còn có sự khác biệt giữa các địa phương nên mô hình tổ chức, phương thức tổ chức chưa đồng bộ, chưa ổn định; nhiều địa phương chưa quan tâm dẫn tới nguồn lực đầu tư chưa tương xứng.

Như vậy, cần những giải pháp như thế nào để giải quyết những vấn đề trên, thưa ông?

Trước tiên, cần nhanh chóng nâng cao nhận thức của các cấp các ngành và toàn xã hội về cuộc chuyển đổi xanh dang diễn ra rất mạnh mẽ; phải có chiến lược cụ thể để có thể định vị Việt Nam là “nguồn cung xanh” của thế giới. Cùng với đó, cần hình thành hệ thống quy định pháp luật về các bộ tiêu chuẩn xanh trong sản xuất, chuỗi cung ứng và thương mại, trong đó ưu tiên kinh tế tuần hoàn; triển khai các mô hình kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ số, phát triển các mặt hàng mới, sản phẩm, hàng hoá môi trường; tăng cường các sản phẩm giúp giảm carbon hoá; đồng thời cần xây dựng chính sách, cơ chế hỗ trợ cho chuyển đổi xanh.

Đặc biệt, xúc tiến thương mại thực sự có vai trò rất quan trọng trong việc giúp định hướng nền kinh tế gắn kết với kinh tế toàn cầu. Do đó, cần tăng cường phối hợp của ngành xúc tiến thương mại với các cơ quan chuyên ngành để đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội; cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho việc tuân thủ và đáp ứng các tiêu chuẩn xanh; ban hành quy định pháp luật phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế về các tiêu chuẩn xanh. Đồng thời, thông qua tiếp nhận tín hiệu thị trưởng, cơ quan này sẽ thúc đẩy những chính sách, cơ chế hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi sang sản xuất và thương mại xanh.

Từ phía Cục Xúc tiến thương mại, chúng tôi cũng sẽ bổ sung và phối hợp với các tổ chức, dự án, chương trình chuyên môn của quốc tế để nâng cao năng lực nội bộ cho đội ngũ cán bộ làm xúc tiến, hỗ trợ ứng dụng các công cụ chuyển đổi số bằng việc mở rộng và gắn kết các trung tâm vào hệ sinh thái Xúc tiến thương mại số. Chúng tôi cũng sẽ ứng dụng và bổ sung các công cụ để không ngừng nâng cao năng lực nội bộ cũng như toàn mạng lưới bằng các công cụ công cụ số hoá.

Để lại bình luận

Đã thêm vào giỏ hàng

0 Scroll
0368 872 689
0368872689